Những điều thân thuộc về Sài Gòn dường như dần bị lãng quên, nhưng ắt hẵn rằng, trong ký ức của mỗi con người nó chiếm cả một thanh xuân để yêu và để nhớ.
ĐIỀU THÂN THUỘC THỨ NHẤT
Mưa trắng trời ngoài cửa sổ, tôi rời khỏi bàn làm việc bước lại cửa sổ nhìn ra ngoài. Phòng làm việc của tôi ở tầng mười sáu, cũng khá cao, đủ để ngắm quan cảnh gần như toàn thành phố. Bên ngoài là một thành phố mờ ảo trong mưa, xa xa là toà nhà Bitexco, toà nhà cao nhất thành phố. Trong lớp mưa mù trắng xoá, những toà nhà cao tầng lúc rõ, lúc mờ, cả thành phố nhoè đi vì màn mưa. Bất giác tôi chợt tưởng tượng như mình đang ngắm một khu vườn với đầy búp và chồi, chen nhau mọc lên trong một khu vườn phủ đầy sương, đang chờ đợi ánh mặt trời sưởi ấm, rồi ngại ngùng cao thêm được chút ít.
Thích thú với suy nghĩ đó, tôi khẽ nhìn xung quanh xem có ai nhìn thấy tôi, với suy nghĩ kỳ cục vậy không. Nhưng không, không ai buồn nhìn đến tôi cả, mọi người vẫn đang làm công việc của riêng họ, chả ai buồn nhìn đến tôi, đến suy nghĩ kỳ cục của tôi cả. Tôi yên tâm quay lại với khu vườn của tôi tiếp.
Nếu những toà nhà kia là những búp, hay chồi thì sao nhỉ? Tôi thầm nghĩ, rồi tự trả lời. Thì nó sẽ lớn lên chứ sao nữa. Nhưng đến đây tôi hơi bối rối, vì nó không còn theo lẽ tự nhiên nữa. Một khi chồi đã vươn lên thành một cái cây trưởng thành, thì mặc nhiên những cây con bên cạnh sẽ nhường chổ cho cái cây đó một chổ trống nhất định, để nó có thể thoải mái mà trưởng thành thành cổ thụ. Nhưng những cái cây trong khu vườn của tôi thì không như vậy, những cây con kế bên nó không tự nhường chổ, mà chính cái cây muốn trưởng thành phải lấn những cái chồi kế bên. Những ngôi nhà cấp bốn xập xệ, hay những mái tôn rãi dài, uốn éo. Rồi những toà nhà khi đã có không gian thì nó sẽ cao lớn đến đâu nhỉ? Tôi ngước mắt nhìn lên khoảng không gian trắng xoá, nhàn nhạt trước mắt vì mưa. Không thể giải đáp câu hỏi của chính mình.
– Đi họp ông ơi. Đứng đó mà lãng mạn hoài!
Lâm, đồng nghiệp, kiêm bạn tán phét của tôi, vỗ vai kêu tôi. Tôi giật mình quay lại, cười cười như bị bắt quả tang mới làm chuyện gì đó mờ ám.
– Ừ, đi liền.
Tôi nói, rồi bước lại bàn, lấy quyển sổ tay và không quên lấy theo cây bút mà tôi rất yêu thích.
Vào phòng họp, tôi kéo ghế ngồi xuống. Căn phòng này tôi đã ngồi họp không biết bao nhiêu lần, nhưng lần này tự dưng tôi thấy nó quá sức tù túng và buồn chán. Bốn bức tường xám xịt kiểu văn phòng, không quên trang điểm thêm vài tấm poster quảng cáo sản phẩm của công ty, với dăm ba cô người mẩu đưa môi cười gượng gạo. Rồi tiếng ồn ào, tiếng tranh cãi của cuộc họp lôi tôi trở về phòng họp. Cuộc họp báo cáo cuối tuần, mọi người bàn về những vấn đề đã bàn cả ngàn lần trong các cuộc họp trước đây, một cách hăm hở, hăm hở như mới đưa ra bàn luận lần đầu. Tôi đưa tay khẽ xoa nhẹ chân mày, cảm giác hơi nhức đầu. Tôi ghét cảm giác này, nó làm tôi như mất hết sinh lực. Mọi người họp tới lúc nào nhỉ? Tôi đưa tay xoay xoay cây bút trong tay.
Cây bút này tôi rất thích, không phải vì nó đắt tiền hay kỷ niệm gì cả. Chỉ đơn giản là tôi thích, vì nó đi cùng tôi được gần một năm làm việc. Tôi còn không nhớ là mua nó ở đâu, chỉ là vật vô tri, vô giác nhưng lâu dần tôi có tình cảm với nó, vậy thôi. Và nhìn kỹ mới thấy nó có nét đặc biệt. Đặc biệt vì tôi đã dùng đầu nhọn của chiếc compa, khắc lên phần thân cây bút nguệch ngoạc vài hoa văn, và dòng chữ “Sài Gòn 2016”. Mình khắc lúc nào nhỉ? Tôi tự hỏi, và không nhớ nổi là khi nào. Cây bút đã gần hết mực.
Cây bút đã gần hết mực? Tôi bị rơi tỏm vào câu hỏi này. Đã bao lâu chúng ta dùng một cây bút đến hết mực? Khi nào nhỉ? Không thể nhớ rõ một cách chính xác được. Hay vì nó quá bình thường, quá rẻ, nên chúng ta tự cho mình cái quyền vứt bỏ nó đi mà không cần quan tâm là cây bút đó còn mực hay không? Và liệu khi tôi đưa câu hỏi này ra cuộc họp, mọi người có phản bác tôi vì câu quá ngớ ngẩn hay không? Hẳn là có. Nó quá bé nhỏ, bé nhỏ so với khu vườn toà nhà ngoài kia, bé nhỏ so với bộn bề lo toan hằng ngày, bé nhỏ so với nhịp sống vội vã bây giờ. Không ai buồn bận tâm đến một cây bút sắp hết mực.
Cuộc họp kết thúc, mọi người vội vã chào nhau những câu xã giao “Về nha, về nha” “Mai gặp”, rồi vội vã rời khỏi phòng họp để đi về. Để tránh giờ kẹt xe, để tranh thủ đón con, để còn tạt ngang chợ,mua vội một vài món nấu bữa ăn tối. Để làm cả ngàn thứ vội vàng giữa Sài Gòn này.
Trên bàn lăn lóc vài cây viết ai đó bỏ quên lại. Tôi đứng bần thần nhìn những cây viết bị chối bỏ nằm trên bàn, chủ nhân của nó khi ngày mai tiếp tục làm việc, có lẽ sẽ quên đi sự tồn tại của cây bút từng là của mình.
Tôi lên lớp năm đạt loại giỏi, được mẹ dắt đi mua một chiếc bút mực Hero 331. Một niềm kiêu hãnh so với những đứa bạn chung lớp. Sướng đến run người khi cầm trên tay chiếc bút toàn thân phủ một màu xanh lá sậm bóng loáng. Nắp vàng choé, đầu chiếc bút nạm hoa văn hình chữ V thật huyền bí, hoa văn đẹp nhất đối với tôi thời đó.
Sau khi mua chiếc bút, mẹ lại dắt tôi đi khắc tên lên chiếc bút. Tôi sướng đến nổi hết cả da gà, khi nhìn thấy chú thợ khắc đưa chiếc bút của tôi nẹp vào bàn khắc. Từng chữ cái tên tôi hiện lên dưới bàn tay của chú thợ khắc. Tên tôi được khắc lên chiếc bút, thật trân trọng, thật rõ ràng. Chiếc bút của tôi, có khắc tên tôi. Ngày mai khi đến lớp, nguyên đám bạn thò lò mũi dãi, sẽ há hốc mồm vì chiếc bút và bình mực tím hiệu Qeen, thơm lừng mùi mới của tôi. Cái cảm giác sở hữu, hãnh diện đó, sau này khi đi làm, có được tiền lương, hay mua một món đồ, mãi mãi tôi không có lại được. Chỉ trơ một thứ cảm giác bằng lòng.
Từ khi nào những lớp học sinh trẻ, hay lớp người lớn bỏ rơi mất thói quen dùng bút mực nhỉ? Không rõ nữa, tôi chỉ thấy một nỗi buồn man mác cho thời học sinh của mình. Thời mà tay chân, quần áo lấm lem mực tím. Mà mỗi lần dính phải mực, đi tắm phải kỳ cọ đến đỏ hết da mà vẫn còn không ra hết màu mực.
Thời đại công nghệ, mọi người dần thay thế những dòng viết tay bằng tin nhắn, bằng mail, bằng vô số sự tiện ích mà công nghệ mang lại. Những thứ nhỏ bé như những cây viết mà chính chủ nhân nó bỏ rơi lại, mang trong lòng một sự tổn thương sâu sắc với quá khứ huy hoàng của mình. Những chủ nhân với sự hãnh diện về nét chữ đẹp, bay bướm, hay sự thẹn thùng vì chữ xấu như chữ “bác sĩ” của mình.
Bác bảo vệ chậm rãi mở cửa phòng họp, thấy tôi, bác hỏi:
– Con chưa về hả, bác tưởng mọi người về hết rồi, định đóng cửa.
Tôi nhặt vội những cây bút nằm chỏng trơ trên bàn, năm cây tổng cộng. Rồi nhoẻn miệng cười với bác bảo vệ:
– Dạ con về liền. Mãi suy nghĩ nên con quên mất.
Ra đến bàn làm việc, tôi lấy một chiếc ly dùng để trang trí, đặt năm cây bút vào, rồi để lên bàn với vị trí dễ nhìn thấy nhất. Với hy vong nhỏ nhoi rằng, chủ nhân của những cây bút khi đến cơ quan làm việc khi không thấy những cây bút của mình, sẽ dáo dát tìm kiếm, và nhìn thấy chúng trên bàn của tôi để nhận lại. Chút ấm áp len lỏi trong lòng, xoa dịu cảm giác nhứt đầu của tôi phần nào.
Sài Gòn sau cơn mưa chiều, loang loáng ánh đèn, thật lung linh, phồn thịnh. Tôi đang đi trong khu vườn tưởng tượng của mình. Nếu Sài Gòn là một khu vườn, với chồi, búp, hay cây là những toà nhà. Vậy tôi là gì? Mọi người là gì? Tôi miên man với suy nghĩ của mình, trong dòng người vun vút, ngược xuôi.
À, chúng ta là kiến, những con kiến chăm chỉ trong khu vườn của mình. Những con kiến mãi mê làm việc chạy ngược, chạy xuôi. Tôi mỉm cười hài lòng với suy nghĩ của mình. Không còn đáp án nào chính xác hơn nữa. Vậy ra tôi là một chú kiến, một chú kiến với một chút trăn trở, một chút tiếc nuối, cho chiếc bút sắp hết mực.Đang chăm chỉ chạy về nhà sau một ngày làm việc.
Về đến nhà, sau khi dùng bữa cơm tối. Tôi pha một ly cà phê, chậm rãi ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn một góc khu vườn Sài Gòn của riêng mình. Vẫn chưa thoát được sự ám ảnh của những chiếc bút lúc ban chiều. Khói thuốc lờn vờn bên cạnh, tiếng ồn ào, âm ỉ ngoài kia ong ong vang vọng trong đầu tôi,thời gian chầm chậm rơi.
Chợt một ý tưởng bật ra trong đầu tôi. Đúng rồi mình sẽ viết, viết về khu vườn Sài Gòn với những chú kiến chăm chỉ ngược xui. Và dĩ nhiên phù hợp nhất trong hoàn cảnh này, tôi sẽ viết tay. Ừm, viết tay rồi sao nữa nhỉ. Tôi hơi khựng lại. À, viết tay rồi mình sẽ đóng thành tập sách, một tập sách chứ sao nữa.
Một tập sách được viết bằng tay, bằng viết mựcđàng hoàng,với tiêu đề thật oách “Vườn Sài Gòn và chú kiến viết tay” chứ sao nữa.
Đạo Diễn Khánh Toàn