Review sớm Lời từ biệt: Bản giao hưởng gia đình Á Đông sắc màu và cái kết đầy trọn vẹn

Khi những cảnh phim cuối cùng của Lời từ biệt khép lại, cả rạp chiếu như lặng đi, ngập chìm trong cảm xúc và câu chuyện của mỗi người. Có lẽ, tất cả sắp rút điện thoại ra và gọi về cho bà mình hay một người thân yêu khác.

Dựa trên chính câu chuyện về bản thân của đạo diễn Lulu Wang, bộ phim Lời từ biệt kể về Billi – một cô gái người Mỹ gốc Hoa – đang sống tại New York cùng bố mẹ. Dù sang Mỹ từ khi còn rất nhỏ nhưng sợi dây liên kết giữa cô và đại gia đình chưa bao giờ đứt quãng, nhất là tình cảm khăng khít giữa cô và bà. Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi, cho đến ngày cô nhận được hung tin từ bố mẹ rằng: bà đang mắc phải căn bệnh ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn 3 tháng để sống. Với quan niệm, văn hóa của một người sống ở trời Tây, Billi hoang mang và lạ lẫm khi gia đình có kế hoạch che giấu sự thật này với bà. Thay vào đó, họ dựng lên một đám cưới giả cho anh họ cô, cớ là để tập họp đầy đủ mọi thành viên trong gia đình và để bà được vui vẻ trong những ngày còn lại.

Cách kể chuyện quá duyên dáng và thông minh.

Xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay rất đời thường, đúng với tinh thần “câu chuyện có thật”. Bằng cách dẫn truyện qua những cuộc hội thoại của những người trong gia đình, chen lẫn những bản nhạc giao hưởng, bộ phim đem lại một cảm giác vừa thân quen, vừa mới lạ. Tuy nhiên, đó là một bản giao hưởng phức tạp, có nốt thăng, nốt trầm, có điệp khúc dai dẳng.

Những người con, người cháu trong gia đình nén đau thương để ép một nụ cười vui vẻ trên khuôn mặt khi bên cạnh bà. Mọi người đều cố gắng che dấu sự thật để bà vui, khiến cho Billi – một cô gái vốn đã quen cái nếp “chủ nghĩa cá nhân” ở Mỹ cảm thấy thật khó hiểu, thật hoang đường. Vì “Ở Mỹ, điều đó là là phạm pháp”. Cái hay ở bộ phim, là dù có rất nhiều nhân vật, nhưng mỗi nhân vật đều được khắc họa tính cách rất rõ ràng. Thậm chí, có những nhân vật không hề thoại một câu, nhưng ta vẫn cảm nhận được tình cảm vô hạn của họ dành cho người bà gần đất xa trời của mình.

Cả gia đình đã phải làm giả giấy kết quả xét nghiệm của bà

Một chuỗi đối lập Đông – Tây cũng được đạo diễn đưa ra, bao gồm những tư tưởng, lối sống, tập tục. Không phải để tranh luận hay phân tích cái đúng cái sai, mà để chỉ ra sự khác biệt giữa hai vùng địa lý, giữa những thế hệ. Để thấy rằng, trong một gia đình luôn có những mâu thuẫn ngầm. Quan trọng là khi gặp khó khăn, liệu mọi người có đồng lòng cùng nhau vượt qua hay không? Đạo diễn đã khéo léo lồng những tình tiết rất hài hước trong một câu chuyện tưởng chừng như rất buồn, khiến cho người xem phải bật cười khúc khích. Bởi vậy, Lời Từ Biệt không hề bi lụy hay sướt mướt như chúng ta vẫn nghĩ.

Nhân vật bà nội là điểm nhấn duyên dáng nhất phim, với những câu nói cực chất

Kết thúc phim là một cái kết trọn vẹn. Bản giao hưởng đã ngân lên những nốt cuối cùng và để lại nhiều âm vang trong lòng khán giả. Hãy nhớ, ở lại xem cảnh trước credit của bộ phim, vì đó chính là sự thật ở ngoài đời, là cảnh quay của những con người thật. Không còn nghi ngờ gì nữa. Triết lý về sức mạnh gia đình của người Á Đông, niềm tin của người phương Đông: “Người ta không chết vì ung thư, người ta chết vì nỗi sợ” đã chiến thắng.

Phép ẩn dụ mang tầng ý nghĩa sâu sắc

Chọn loài chim làm hình ảnh xuất hiện xuyên suốt bộ phim, đạo diễn đã khiến người xem phải gật đầu thán phục. Bởi chim không chỉ là loài tượng trưng cho cách sống bầy đàn của phương Đông mà còn mang sự tự do, tự tại của người phương Tây; là một sứ giả giữa trời và đất. Đó cũng là loài hay di cư đến nhiều vùng khác nhau, giống như những người thân trong gia đình Billi sang định cư ở đất nước khác.

Ở cảnh đầu của bộ phim, một chú chim ủ rũ bay vào phòng Billi ám chỉ điềm xấu sắp xảy đến, con chim này lần nữa xuất hiện tại Trung Quốc khi bà đột ngột nhập viên. Ngay cả bức tranh treo trên tường phía sau bàn ăn gia đình hay họa tiết trên cầu thang bộ ngoài đường cũng được lồng ghép hình ảnh chim ở đấy. Tiếng bậc hơi cuối cùng của Billi, đồng thời sau đó là cảnh một đàn chim cùng nhau bay lên nhiều hình tượng. Phải chăng cuối cùng, chú chim xa bầy đã quay về tổ, đã chấp nhập bản thân mình là một loài chim phương Đông đúng nghĩa. Như chính lời của chú Billi đã bỏ nhỏ: “Ai cũng nghĩ đời mình chỉ có chính mình. Nhưng  đây, đi một người gắn liền với nhiều ngưi. Gia đình, Xã hội.”

Chú chim lạc lõng xa bầy, như chính Billi bơ vơ nơi đất khách quê người.

Không những thế, nếu để ý kỹ sẽ còn muôn vàn hình ảnh ẩn ý khác đằng sau những tiểu tiết của bộ phim. Khán giả sẽ dễ dàng bỏ qua. Nhưng khi về nhà ngẫm nghĩ lại, họ sẽ giật mình bởi những ý đồ sâu cay của đạo diễn.

Để phân tích bộ phim Lời Từ Biệt (tựa tiếng anh: The Farewell) sẽ còn phải tốn rất nhiều giấy mực để nói hết những gì bộ phim muốn truyền tải. Hãy cùng thưởng thức và chiêm nghiệm bộ phim thú vị này từ ngày 11/10 tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.