Phố đi bộ Nguyễn Huệ đông đúc khách Tây háo hức xem ‘Chầu văn hầu đồng’

Trong khuôn khổ Festival nghệ thuật dân gian lần 1 diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, lần đầu tiên, người dân thành phố cũng như khách du lịch được chứng kiến nhiều loại hình diễn xướng được trình diễn ngay trên đường phố như hầu đồng, múa Bóng rỗi, hát Then, hát quan họ, hát bài Chòi, Múa Xuân Phả….Trong đó, khán giả, đặc biệt là khách nước ngoài, đứng chật kín tại không gian của các nghệ nhân hát Chầu Văn hầu đồng và Múa bóng rỗi.

Múa bóng rỗi là một thức múa hát nghi lễ thể hiện nghi thức thờ Nữ thần của người dân Nam Bộ diễn ra vào các dịp lễ hội tại cácđình, miếu. Nghệ nhân múa bóng rỗi biểu diễn các động tác múa đòi hỏi kỹ thuật cao, khéo léo với các đạo cụ như mâm vàng, ghế, chén, đĩa để chênh vênh trên một thanh kiếm. Đi cùng tín ngưỡng thờ bà, Múa bóng rỗi, qua thời gian, còn thâu nhận thêm các yếu tố văn hóa Chăm, Hoa, Khmer. Trong quá trình lịch sử hàng trăm năm, nó đã tích hợp được nghi lễ văn hóa khác như hát theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, đạo Phật…

Tại không gian văn hóa Nam Bộ với đặc trưng là con thuyền, sông nước, chiếc Cà Ràng (bếp đun củi bằng đất nung)…các nghệ nhân múa bóng rỗi đến từ Long An đã thể hiện nhiều màn trình diễn đặc sắc, thậm chí gay cấn…như múa ghế, múa mâm vàng, giữ thăng bằng hai chiếc đĩa trên đầu kiếm…Đặc biệt cuốn hút là tiết mục nuốt rắn của nghệ nhân Lê Minh Hùng. Nhiều khán giả đã bật khóc khi chứng kiến đầu con rắn còn sống nằm gọn trong miệng nghệ nhân. Nhiều tiếng la hét nổi lên khi con rắn từ từ bò vào miệng trong khi nghệ nhân Lê Minh Hùng vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên. Anh cho biết, mình theo Múa bóng rỗi từ năm 17 tuổi. Ngoài đam mê, nghệ nhân cần có sức khỏe, sự khéo léo, can đảm và một chút “liều”…mới thăng hoa được với nghề. Tiết mục nuốt rắng anh luyện tập trong nhiều năm, với chú rắn nuôi thân thuộc của mình. May mắn anh chưa từng gặp sự cố hi hữu khi biểu diễn với thú cưng.

“Làm nghề cực, nguy hiểm nhưng đam mê ngấm vào máu, tôi vẫn thấy vui. Mỗi khi nhạc lễ nổi lên, khán giả vây kín chung quanh là tôi quên hết mình là ai. Tôi cứ thăng hoa theo tiếng nhạc, theo tiếng vỗ tay, những lời hò hét của khán giả mà say mê thể hiện tất cả những gì mình có. Nếu chẳng may chết trong lúc đang biểu diễn, tôi cũng cam lòng” – nghệ nhân Lê Minh Hùng tâm sự.

Ngoài múa bóng rỗi, không gian hát Chầu văn hầu đồng cũng gây chú ý với nhiều khách nước ngoài. Hầu đồng là một nghi thức múa – hát – nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Bắc Bộ – diễn ra tại các đền, chùa, phủ thờ Mẫu. Anh Sam – một du khách Tây Ban Nha cho biết: “Tôi đặc biệt ngạc nhiên khi chứng kiến các nghệ nhân ở đây có thể thay trang phục nhanh đến thế. Những trang phục hết sức sặc sỡ, hoa văn cực nhiều và dường như nó tương ứng với âm nhạc và các điệu múa tay, bước nhảy ở chân của họ. Tôi không hiểu chút nào lời họ hát nhưng tôi cho rằng đó là lời cầu xin thần linh cho mùa màng tốt tươi của những người nông dân”…

Ngoài múa bóng rỗi, Hát chầu văn hầu đồng, trong ba ngày 13,14,15/4…người dân TP HCM cũg như du khách trong và ngoài nước còn được thưởng ngoạn các hình thức diễn xướng khác đến từ nghệ nhân ba miền như hát bài Chòi, múa Xuân Phả, múa Chăm, …và các trò chơi dân gian khác….

Festival Nghệ thuật dân gian lần 1/2019 là lễ hội diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp Giỗ tổ vua Hùng. Đây là ý tưởng đưa các hình thức diễn xướng dân gian ba miền ra trình diễn trên đường phố của các nhà quản lý văn hóa và những người có tâm huyết với những giá trị hồn cốt của dân tộc. Ông Vương Duy Biên – NSND, tổng đạo diễn chương trình cũng như bà Lưu Thị Hồng Diễm – giám đốc đơn vị tổ chức…đều mong muốn có thêm nhiều cơ hội nữa để đem đến sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cả người lớn và trẻ em, khiến họ có thêm nhiều hiểu biết, tự hào về những gì mình đang có trên đất nước mình.

Lễ hội diễn ra liên tục trong ba ngày 13, 14, 15/4 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ – TP HCM.