NSƯT Nhất Sinh lần đầu kể về cảm hứng để sáng tác nên ca khúc đầu tay Tơ Hồng

Tôi lớn lên từ vành nôi/Tôi lớn lên từ bờ tre/Tôi lớn lên từ lời ru…/Bên mái tranh chiều ngày xưa/Chiếc võng kẽo kẹt mẹ đưa/Với tiếng ru hời hời ru/Man mác tâm hồn trẻ thơ/Xao xuyến đến tự bấy giờ… Giữa những ngày gần tết này, khi ngoài phố tất bật bao ngược xuôi người và xe, thì ở đây, trong không gian nhỏ một quán cà phê, NSƯT Nhất Sinh đã hát cho tôi nghe Mẹ và lời ru.

NSƯT Nhất Sinh

NSƯT Nhất Sinh

Mẹ là nguồn thương trong khúc ca

“66 tuổi chớ hát còn tốt, giọng còn ngon lành lắm”, ông nói vui sau khi hát. Có lẽ với nhiều khán giả yêu mến nhạc sĩ – ca sĩ Nhất Sinh đều không thể nào quên những Chim sáo ngày xưa, Tơ hồng, Thuở ban đầu, Tình sử Huyền Trân… Ông chia sẻ, trong lòng mình, những bài ca về mẹ có chỗ đứng thiêng liêng nhất. “Tôi sinh đầu tháng 2-1955 thì tháng chạp cha mất. Sau đó, mẹ tôi một mình nuôi 4 chị em tôi, tôi là con út. Năm 1965, chiến tranh ác liệt tràn đến quê tôi. Các anh chị đều mất, mẹ chỉ còn mình tôi. Đến năm 1975, tôi tham gia đoàn văn công đi suốt, không mấy khi được ở quê nhà. Và mẹ tôi sống ở quê một mình. Sau này, tôi đưa mẹ vào TPHCM sống, nhưng bà không chịu được lại về quê. 3 năm sau thì mẹ mất”, Nhất Sinh kể, giọng ông chùng xuống.

Trong tất cả những bài hát về mẹ do bản thân sáng tác, Mẹ và lời ru, Còn mãi lời ru là 2 ca khúc Nhất Sinh yêu thích nhất. Ông nói, hồi xưa khi viết Mẹ và lời ru, chỉ nghĩ sẽ hát khi nào vào dịp giỗ mẹ, với tất cả lòng mình. Sau này, tới gần năm 2000, bạn bè thân quen mới nói nên đưa ra ngoài cho mọi người cùng hát. “Ngày còn nhỏ, mẹ đi buôn gánh bán bưng, xuống thị xã mua đồ rồi mang lên vùng giải phóng vừa bán, vừa tiếp tế cho cách mạng, còn tôi ở nhà một mình. Thời điểm đó, thanh niên rất dễ bị lôi kéo ăn chơi, nhưng dù một mình một thân và sau này khi đi vào đoàn văn công tỉnh, đi nơi này nơi kia, tôi vẫn dứt khoát không cho phép mình hư, bởi tôi nghĩ về mẹ rất nhiều. Mình mồ côi, nhà nghèo, mẹ chỉ còn mỗi mình thì bản thân phải biết tự vận động. Đến tận bây giờ, dù mẹ đã nhắm mắt xuôi tay từ rất lâu thì bà vẫn có thể tự hào rằng con mình đang sống tốt, tử tế, như cách mẹ dạy anh em tôi từ tấm bé…”, ông trải lòng.

Nhất Sinh sinh ra và lớn lên ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đồng Ké, địa danh làng quê hiu quạnh bên dòng sông Trà Khúc cùng những lời ru của mẹ đã thấm đẫm, mãi mãi khắc sâu vào tâm hồn ông. Và sau này, những làn điệu, ca từ mộc mạc, thắm đượm tình mẹ, tình quê ảnh hưởng đậm sâu, không thể tách rời những sáng tác của Nhất Sinh. CD Còn mãi lời ru gồm 10 ca khúc Khóc mẹ, Nhớ mẹ mùa Vu lan, Con sẽ về, Gửi mẹ đồng bằng, Sương ru lời mẹ, Mẹ và lời ru, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa… là những bài hát mà mẹ chính là nguồn thương mãnh liệt nhất.

Nhất Sinh của ngày xưa và bây giờ…

“Giờ thì ít nhiều gì khán giả biết mình, chứ hồi xưa, khi bắt đầu hành trình nghệ thuật, tôi đi… kéo màn, đâu có được hát liền. Trước khi tham gia đoàn văn công tỉnh, tôi đang làm hồ sơ xin việc khác. Đúng định mệnh chọn mình theo nghệ thuật. Ngày đầu theo đoàn diễn ngoài sân vận động, mấy người quen đi ngang, thấy tôi kéo màn mới hỏi: “Ủa sao kỳ mậy, đi văn công hát hò sao đi kéo màn?”. Tôi thì thấy có gì đâu, mình mới mà. Sau đó khoảng mấy tháng có đợt đi diễn văn nghệ miền núi, anh ca sĩ chính bệnh nên mình được ra hát… lót. Mà giờ ra hát thì lấy tên gì, tôi tên Nguyễn Tấn Sinh mà lấy luôn thì kỳ. Gia đình có 4 anh em, mất hết 3 người chỉ còn mình tôi nên lấy luôn nghệ danh Nhất Sinh. Hồi đó tôi hát theo bản năng”, Nhất Sinh kể.

Khi Bình Định và Quảng Ngãi nhập tỉnh, thành lập đoàn văn công Nghĩa Bình thì Nhất Sinh vào Quy Nhơn sống. Tới năm 1978, ông được cho đi học thanh nhạc ở Trường Âm nhạc Huế, tới năm 1982 tốt nghiệp. Hồi trẻ thích bay nhảy, nên ra trường, ông vào TPHCM chỉ với một túi xách nhỏ, bán được bộ đồ vest mấy ngàn đồng bạc, đủ mua vé xe và còn chút ít để dành. Và đặc biệt, ông không quen bất cứ một ai liên quan đến lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc. Vậy rồi cái số đẩy đưa, Nhà văn hóa Thanh niên tuyển ca sĩ, ông liền thi vào, là thành viên nhóm Bách Việt chuyên dòng nhạc dân tộc, được khán giả mến mộ. Hồi đó, ca sĩ chính có ông, Đình Văn, Ngọc Điệp, Ngọc Yến. Ông kể: “Tập tành xong ra diễn mệt luôn. Khi nhóm nổi lên rồi, chạy show phải có xích lô chở trống chầu, trống lớn, trống nhỏ đi theo, ăn khách lắm. Làm đến đầu năm 1984, Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cử người qua mời mình về làm, rồi gắn bó đến khi về hưu”.

Nhất Sinh được biết đến đầu tiên là ca sĩ, sau thời gian dài hát những nhạc phẩm quê hương của các nhạc sĩ khác, ông luôn tự hỏi, sao mình không thử một lần viết nhạc và hát bài hát của mình. Tơ hồng ra đời vào năm 1988, Chim sáo ngày xưa năm 1989, Thuở ban đầu năm 1990 và sau đó hàng loạt ca khúc, trong đó nổi bật có Tình sử Huyền Trân. Dù viết nhiều thể loại nhạc thì ca khúc của ông luôn thấm đẫm tình người, ngọt ngào như khúc hát dân ca quê nhà.

“Bây giờ già rồi, tôi quen việc xa sân khấu từ lúc về hưu. Tôi không xuất hiện trên những sân khấu ca nhạc đại trà. Dù vậy, khi người nghe còn nhớ đến tên, đó cũng là hạnh phúc. Tôi vẫn có những không gian âm nhạc giản dị kiểu hát với bạn bè cho vui, hoặc Hội Âm nhạc TPHCM, Nhà hát Bông Sen cần thì mình qua hỗ trợ. Thường đi những chỗ lạ người ta yêu cầu nhiều nhất bài Chim sáo ngày xưa, dù nó cũ mèm…”, nhạc sĩ Nhất Sinh chia sẻ về ông của hiện tại.

Nói là nói vậy, khi được nhờ hỗ trợ, ông vẫn cùng đơn vị cũ, Hội Âm nhạc TPHCM đến vùng sâu vùng xa phục vụ người dân. Thời gian, tuổi tác không làm phai phôi cách sống hồn hậu, gần gũi của ông.

NSƯT Nhất Sinh dự định ra một tuyển tập nhạc, khoảng 100 bài. Ông cho biết, làm tập nhạc không phải để buôn bán, chủ yếu lưu giữ, bạn bè nào thích thì tặng. “Nghệ sĩ quan trọng nhất là đạo đức. Mình đi đúng đường là hạnh phúc. Mình phát triển được năng khiếu là hạnh phúc. Có gia đình ổn định là hạnh phúc. Một bộ phận nghệ sĩ bây giờ hay tạo scandal để nổi tiếng, không như nghệ sĩ hồi xưa. Thời điểm anh Quang Lý, anh Ngọc Tân, Thế Hiển và một số nghệ sĩ đã mất, họ sống chừng mực. Cứ sống sao để người ta nhìn vào luôn thấy mình tử tế, đàng hoàng là được…”, NSƯT Nhất Sinh tâm sự.