‘Ngôi đền kỳ quái 2’: Phim kinh dị nhưng hài hước đến mức ‘quên lối về’

Nếu đang cần một bộ phim mang lại những tiếng cười giòn tan sau ngày làm việc căng thẳng thì ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ chắc chắn sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

‘Ngôi đền kỳ quái 2’ là một tác phẩm của điện ảnh Thái Lan đi theo hướng kinh dị nhưng phần lớn nội dung lại vô cùng hài hước. Bộ phim được ‘nhào nặn’ bởi đạo diễn Phontharis Chotkijsadarsopon, các diễn viên chính Phiravich Attachitsataporn, Timethai Plangsilp, Paisarnkulwong Vachiravit, thời lượng 115 phút và bắt đầu khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 3/7/2020.

Nội dung của ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ nối tiếp Pee Nak 1 khi sau một quãng thời gian sống ở đền, hai nhà sư trẻ Balloon (Aim Aue) và First (James Bhuripat) quyết tâm hoàn tục để trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, mọi chuyện không như kế hoạch khi ‘con ma’ liên tục xuất hiện để quấy phá khiến họ phải quay lại ngôi đền để lẩn trốn.

So với phần 1, phần 2 của bộ phim kinh dị này hài hước, hấp dẫn và đáng xem hơn nhiều. Đặc biệt, gia nhập nhóm bạn ở ngôi đền trong phần 2 có thêm sự góp mặt của trai đẹp Min Jun (Mean Phiravich) – một thực tập sinh Kpop đến xuất gia để cầu may. Cả Ballon, First và Min Jun liên tục rơi vào những tình huống éo le, bị ‘ma quỷ’ truy đuổi ráo riết và cố gắng tìm cách giải cứu bản thân.

Kịch bản gãy vụn nhiều dù rất hài hước

Như đã đề cập, dù là một bộ phim kinh dị nhưng ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ lại mang rất nhiều yếu tố hài hước. Các mảng miếng gây cười được tạo theo đúng phong cách Thái Lan, rất nhí nhố nhưng duyên và tạo nên những giây phút thư giãn nhẹ nhàng cho khán giả. Đặc biệt, tác phẩm đi theo cách làm hài theo tình huống và kiểu nhả chữ bất ngờ của diễn viên chứ không phải là hài ‘bựa’ nên bất kỳ ai cũng có thể xem mà không thấy khó chịu.

 

Kiểu hài theo tình huống của ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ được làm khá giống với một bộ phim rất nổi tiếng trước đây của Thái Lan là ‘Tình người duyên ma’. Ở đó, các nhân vật được đặt vào những sự việc rất tréo ngoe và cách giải quyết chúng tạo nên tiếng cười cho khán giả. Ví dụ như phân đoạn Ballon, First và Min Jun gặp rắn và cá sấu bò vào nhà tắm. Ở đây, nếu làm hài không khéo sẽ gây phản cảm bởi thực chất tình huống mang tính kinh dị và nghiêm túc nhiều hơn. Tuy nhiên, cách diễn của 3 nhân vật cùng các nhà sư cộng với việc xử lý tình huống ‘không chê vào đâu được’ của đạo diễn khiến khi xem đến các phân cảnh này chắc chắn bạn không thể không ‘bò lăn ra cười’.

Ngoài ra, ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ quy tụ dàn diễn viên rất trẻ, duyên dáng với gương mặt và biểu cảm có thể gây cười ở mọi tình huống. Xem bộ phim này, có cảm tưởng như bất kỳ lời nói nào của các nhân vật cũng có thể tạo ra sự hài hước nhất định nhờ lối diễn xuất có duyên của họ. Đặc biệt hơn, trong bộ phim có phần phụ đề được Việt hóa vô cùng hài hước, đúng theo các xu hướng đang nổi tiếng hiện nay. Ví dụ, trong một tình huống rất bình thường, bất ngờ câu phụ đề ‘trứng rán cần mỡ’ xuất hiện và có thể khiến cả rạp cười khoái trá.Tuy nhiên, do từ đầu đến cuối phim là những tình huống gây cười, kể cả phần kinh dị nhất cũng có thể hài hước nên tác phẩm ít có các yếu tố gây sợ hãi cho khán giả. ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ được dán nhãn C16 (chỉ dành cho người trên 16 tuổi) có lẽ vì những phân cảnh với sự xuất hiện trông đáng sợ của con ma Pee Nak. Còn lại yếu tố kinh dị chỉ xuất hiện theo kiểu ‘có cho vui’ dù tấm poster của bộ phim thì ngập tràn màu sắc u ám.

Dù ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ mang yếu tố gây cười sâu sắc thì cũng không thể che đi điểm yếu về nội dung của tác phẩm này. Giống như phần 1, phần 2 trong loạt phim về ‘con ma’ Pee Nak vẫn tạo nên cảm giác khó chịu cho khán giả bởi nhiều phân cảnh diễn ra rất rời rạc và có phần vô lý. Không chỉ vậy, phần cuối phim gần như chẳng ăn nhập một chút nào với phần đầu và gần như được tách ra để giải thích cho nội dung cốt truyện. Có thể nói, 2/3 tác phẩm này là để gây cười cho khán giả và 1/3 còn lại là tách biệt để giải quyết mọi vấn đề, xung đột.

Cùng với đó, các đoạn chuyển cảnh trong bộ phim là rất không mượt mà. Bởi lẽ kể cả 2/3 nội dung là hài hước thì chúng cũng tách biệt và không có sự liên kết với nhau. Các đoạn phim thiếu phần nối để tạo ra sự luân chuyển hợp lý khiến khán giả có thể xem đoạn này mà quên đoạn sau là chuyện bình thường.

Do ‘Ngôi đền kỳ quái’ khá hài hước nên khán giả nhiều khi cũng cười bất chấp mà cười quên hết cả những gì mình vừa xem luôn. Có vẻ như, đạo diễn Phontharis Chotkijsadarsopon muốn hướng tác phẩm đi theo yếu tố hài đến nỗi cười ‘sặc sụa’, cho thêm ít yếu tố kinh dị và một vài nhân vật mới vào để hấp dẫn chứ không có ý định đầu tư quá kỹ vào nội dung, khiến nó trở thành những mảnh ghép rời rạc.

Câu chuyện nhân văn nhưng kỹ xảo khá tệ

Đằng sau tính hài hước và kinh dị, ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ ẩn chứa một câu chuyện đầy tính nhân văn. Bộ phim nói về chữ hiếu, ân nghĩa sinh thành và những duyên nợ từ kiếp trước. Ở đây, ‘con ma’ Pee Nak có một mối thù từ kiếp trước với Ballon và First. Anh luôn đeo bám 2 người đó và đến kiếp này quyết trả cho bằng được. Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản đến vậy. Đạo diễn của bộ phim đã khéo léo lồng vào nội dung những câu hỏi buộc người xem phải suy ngẫm. Pee Nak vì muốn báo hiếu cho mẹ mà sinh lòng thù hận với Ballon, First nhưng mối duyên nợ từ kiếp trước, đến kiếp này mới trả có hợp lý không, việc liên tục hại người khác, gây ra những chuyện đầy thị phi của ‘con ma’ này dù ẩn sau là câu chuyện đau lòng liệu có đúng hay không?

Gần như toàn bộ phần cuối phim là thời lượng để bộ phim giải thích câu chuyện của của ‘con ma’ Pee Nak và giải quyết mối thù của anh. Sự căm tức với những con người từ kiếp trước ám ảnh tâm trí của Pee Nak. Xem ‘Ngôi đền kỳ quái 2’, khán giả sẽ thấm thía những bài học về tình cảm gia đình, tình bạn bè. Tuy nhiên, do bộ phim quá hài hước nên có thể đến khi ra khỏi rạp vì cười quá nhiều mà khán giả cũng quên đi nội dung và những giá trị nhân văn nó mang lại.

Ngoài câu chuyện nhân văn, ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ cũng gây ấn tượng mạnh cho khán giả bởi phần âm thanh khá sinh động. Do có quá ít hình ảnh kinh dị nên đạo diễn bộ phim đã tạo không khí ám ảnh bằng những tiếng chuông gió, tiếng gió thổi lá cây, tiếng còi xe cấp cứu… Những âm thanh đó kết hợp với khung cảnh đường vắng, ao hồ đơn giản tạo nên sự đáng sợ và đôi lúc khiến khán giả giật nảy mình khi xem. Với những người yếu tim có lẽ sẽ phải ‘co rúm’ người lại mỗi khi bộ phim bước vào các khung cảnh khi trời tối.

Tuy nhiên, phần âm thanh của bộ phim làm tốt bao nhiêu thì hình ảnh lại làm tệ bấy nhiêu. Các hiệu ứng kỹ xảo trong ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ được làm rất đơn giản, sơ sài và có cảm giác là khá vụng về. Điều này tạo nên những khung hình khá ‘ảo’ chứ không hề tạo cảm giác thật cho người xem. Ví dụ như phân đoạn ‘con ma’ Pee Nak đi trên cây được quay ở góc xa nhưng nhìn vẫn rất ‘giả’. Không chỉ vậy, các khung cảnh đền, chùa và các bối cảnh ngoài đường phố Thái Lan trong bộ phim cũng được dựng không kỹ, nhiều lúc rất sơ sài.

Dàn diễn viên trong ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ đều còn rất trẻ nhưng diễn xuất của họ rất ‘duyên’ và không thể chê được bất kỳ điểm nào. Họ mang đến cảm xúc rất thật với biểu cảm gương mặt tốt khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh rộng.

Kết

‘Ngôi đền kỳ quái 2’ là bộ phim kinh dị nhưng mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái cùng một câu chuyện ý nghĩa. Dù nội dung tác phẩm có phần đứt gãy, rời rạc và đôi khi khá vô lý nhưng với sự hài hước đến tột bậc thì ‘Ngôi đền kỳ quái 2’ vẫn rất đáng thưởng thức.