Người khuyết tật cùng sinh viên chống nạn bạo lực tình dục

Vừa qua, Hội người khuyết tật Hà Nội cùng các tổ chức xã hội đã tổ chức thành công “Cuộc đua kỳ thú: Phòng chống bạo lực tình dục”.

Hội Người khuyết tật với sự tài trợ của Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương (CFLI) cùng sự hỗ trợ về công tác truyền thông của Dự án Nữ chiến binh đã tổ chức thành công “Cuộc đua kỳ thú: Phòng chống bạo lực tình dục” tại Học viện Phụ nữ, 68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Dưới hình thức của một cuộc thi vận động, 15 anh chị em khuyết tật cùng 15 sinh viên của một số trường Đai học tại Hà Nội đã cùng nhau vượt qua hàng loạt thử thách để hiểu hơn về những khó khăn của khuyết tật và nạn bạo lực tình dục cùng sự cổ vũ của 300 thanh niên.

Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật dân tộc thiểu số là đối tượng có nguy cơ cao trải qua các hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và kinh tế. Theo Liên Hợp Quốc, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bạo lực giới cao hơn so với nam giới khuyết tật do bị kỳ thị và phân biệt đối xử về giới và khuyết tật. Có một số chị em khuyết tật trí tuệ bị xâm hại nhiều lần đến mức gia đình không biết cách nào khác phải đưa đi triệt sản.

Hoặc có nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật không biết nói với ai. Tuy vậy, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục rất thiếu kiến thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực. Từ đây, “Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục” đã ra đời để người khuyết tật cùng cộng đồng trau dồi hiểu biết và kỹ năng để bảo vệ chính mình trước nạn bạo lực tình dục.

Người khuyết tật cùng sinh viên chống nạn bạo lực tình dục - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, chương trình còn triển lãm các tác phẩm “photovoice” do chính các anh chị em khuyết tật thực hiện. Họ đã chủ động kể những câu chuyện khó khăn, bí mật bị bạo hành và cách họ vượt qua để công chúng hiểu hơn về những hạn chế và sự cố gắng của người khuyết tật.

Từ “Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục”, Hội người khuyết tật Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện một số hoạt động chia sẻ phòng chống bạo lực tình dục cho người khuyết tật. Dự án hiện đang được cộng đồng đón nhận và hưởng ứng như một chương trình rút ngắn khoảng cách, gia tăng sự thấu hiểu xã hội và sự tự tin, chủ động của người khuyết tật trong phòng chống bạo lực.